Cùng với việc giành được giải thưởng cao nhất trị giá 10.000 bảng Anh, hình ảnh Thiên hà Tiên Nữ của ông được trưng bày trong triển lãm những bức ảnh đoạt giải khai mạc tại Bảo tàng Hàng hải Quốc gia ở London, Anh vào ngày 23-10 tới cùng với các tác phẩm đoạt giải khác.
Đây là năm thứ 12 giải thưởng Nhiếp ảnh gia thiên văn được tổ chức, có hơn 5.000 người từ sáu châu lục đã tham gia.
Bức ảnh Thiên hà Tiên Nữ trong tầm tay của nhiếp ảnh gia Nicolas Lefaudeux, người Pháp đoạt giải thưởng chung cuộc Nhiếp ảnh gia thiên văn của năm 2020 và giải nhất hạng mục Thiên hà.
Các giám khảo đã bị thu hút bởi hình ảnh đầy cảm hứng của nhiếp ảnh gia Lefaudeux chụp ở Forges-les-Bains, miền Bắc nước Pháp. Bức ảnh mô tả một phiên bản của Thiên hà Tiên Nữ (Andromeda) dường như ở ngay trước mặt, mặc dù nó cách Trái đất hai triệu năm ánh sáng.
Bức ảnh này chỉ là một ảo ảnh. Để có được hiệu ứng dịch chuyển độ nghiêng, nhiếp ảnh gia người Pháp đã sử dụng máy in 3D để tạo ra một thiết bị giữ máy ảnh ở một góc với kính thiên văn. Vết mờ nhìn thấy ở các cạnh tạo ra ảo giác về sự gần gũi.
Đánh giá về tác phẩm chiến thắng, Giám khảo cuộc thi Ed Robinson nói: “Đối với hầu hết chúng ta, thiên hà Andromeda ở rất xa và không thể với tới, nhưng bức ảnh đã tạo cho chúng ta ấn tượng rằng nó chỉ nằm trong tầm tay của chúng ta. Điếu này thực sự kỳ diệu và phần nào thích hợp khi chúng ta đang điều chỉnh khoảng cách sau những khoảng thời gian giãn cách xã hội do đại dịch”.
Ngoài người chiến thắng chung cuộc, cuộc thi còn trao giải cho những người chiến thắng các hạng mục thiên hà, cực quang, Mặt trăng của chúng ta, Mặt trời, con người và không gian, hành tinh, sao chổi và tiểu hành tinh, bầu trời. Ngoài ra, còn có các giải thưởng dành cho các nhiếp ảnh gia thiên văn trẻ và nhiếp ảnh gia mới xuất sắc nhất.
Người chiến thắng hạng mục Nhiếp ảnh gia thiên văn trẻ nhất là Alice Fock Hang, 11 tuổi, người đã chụp được bốn hành tinh và Mặt trăng thẳng hàng
Bức ảnh Những cơn sóng của Bence Toth đoạt giải hạng mục Nhiếp ảnh gia mới xuất sắc nhất. Hình ảnh chụp vùng trung tâm của Tinh vân California (NGC 1499), thể hiện năng lượng rộng lớn không thể kiểm soát của tự nhiên, giống như những con sóng khổng lồ của một cơn bão trong đại dương.
Bức ảnh Quý bà mặc váy xanh của nhiếp ảnh gia Nicholas Roemmelt, người Đức đã giành chiến thắng ở hạng mục Cực quang. Dù đã có cơ hội chụp ảnh cực quang ở Bắc bán cầu nhiều lần, nhưng anh chưa từng nhìn thấy "bà đầm xanh" bao giờ.
Bức ảnh Màu sắc vùng miệng núi lửa Tycho của nhà nhiếp ảnh thiên văn Alain Paillou đã giành chiến thắng ở hạng mục Mặt trăng của chúng ta. Miệng núi lửa Tycho là một trong những miệng núi lửa nổi tiếng nhất trên Mặt trăng. Bức ảnh này cho thấy vẻ đẹp và sự phức tạp đáng kinh ngạc của vệ tinh tự nhiên của chúng ta. Màu xanh lam cho thấy nồng độ oxit titan cao và màu đỏ cho thấy nồng độ oxit sắt cao.
Ánh dương lỏng của nhiếp ảnh gia thiên văn Alexandra Hart đến từ Vương quốc Anh đoạt giải nhất hạng mục Mặt trời của chúng ta. Bề mặt này trên mặt trời dày khoảng 100km, rộng khoảng 1.000km, chuyển động không ngừng và tạo ra một cấu trúc "gạch lát đường" tuyệt đẹp.
Tác phẩm Nhà tù Công nghệ của Rafael Schmall, người Hungary đoạt giải nhất hạng mục Con người và Không gian. Ngôi sao ở trung tâm của bức ảnh là ngôi sao đôi Albireo, được bao quanh bởi các đường mòn của các vệ tinh chuyển động.
Bức ảnh này của Yang Sutie (Trung Quốc) đoạt giải khuyến khích hạng mục Con người và Không gian. Trên đỉnh các vịnh hẹp ở Na Uy, nhiếp ảnh gia đã bắt gặp hình ảnh này trên bầu trời đêm vô định. Anh tự hỏi đó có phải là người ngoài hành tinh hay là lực lượng siêu nhiên? Anh đã bấm một loạt ảnh để ghi lại và cho đến ngày hôm sau mới biết màu sắc này được tạo ra bởi thí nghiệm tên lửa đẩy vùng cực quang từ Trung tâm Vũ trụ Andøya, nơi phóng các máy dò khí để thăm dò gió trong bầu khí quyển trên của Trái đất.
Cây cô đơn dưới cực quang ở vùng Scandinavia của nhiếp ảnh gia Tom Archer đoạt giải nhì hạng mục Cực quang. Khi anh tìm thấy cái cây này, anh quyết định đợi điều kiện sương mù thay đổi và không thể tin vào vận may của mình khi bầu trời quang đãng và cực quang xuất hiện ở một điểm hoàn hảo.
Theo Nhân dân
https://nhandan.com.vn/science-news/nhung-buc-anh-thien-van-tuyet-dep-cua-nam-616597/