Đằng đẵng xin giấy phép
Mấy năm nay, sản phẩm gel nano bạc khử khuẩn trong nông nghiệp của ThS Nguyễn Bình Phương, Công ty TNHH Công nghệ Nano STV được đem đi hết hội chợ này đến triển lãm khác, mãi gần đây mới xin được giấy phép lưu hành. Với việc kết hợp giữa công nghệ nano tiên tiến và công nghệ màng sinh học polime thiên nhiên, tự phân hủy có khả năng tiêu diệt hiệu quả hầu hết các loại vi khuẩn và nấm bệnh, gel nano bạc được người sử dụng đánh giá cao. Ở thời điểm đó, gel nano bạc mở ra những hướng đi mới trong việc ứng dụng, sản xuất công nghệ sạch trong cây trồng, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, giúp thay thế hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần vào sản xuất nông sạch và bền vững.
Sản phẩm đã được ứng dụng thực tế và có những đánh giá cụ thể, mở ra hướng đi mới cho việc thay thế thuốc trừ sâu và hóa chất bảo vệ thực vật, giúp các sản phẩm hoa quả, nông sản không bị tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Úc, EU...
Công ty cũng đã tổ chức chương trình trực tiếp phối hợp với trung tâm hỗ trợ nông dân, nông thôn – Hội Nông dân Việt Nam sử dụng sản phẩm này trong chăn nuôi tại các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, tôm cá mắc dịch bệnh tại các tỉnh thành như Bắc Ninh, Lạng Sơn, Nam Định. Gel nano bạc có khả năng ngăn chặn, khống chế và ngừng hẳn được nguồn bệnh, không còn xảy ra tình trạng chết hàng loạt trên gia súc, thủy sản như trước đây, ngăn chặn tình trạng nấm bệnh, vi khuẩn trên cây trồng tăng tỉ lệ đậu trái, kích thích sinh trưởng đối với các vùng được phun thử nghiệm…
Thế nhưng, sản phẩm dù tốt, được đánh giá khả quan, lại vô cùng gian nan trên con đường xin giấy phép. 3 năm nay, ThS Nguyễn Bình Phương lặn lội đi tìm, bằng đủ mọi cách thì mới đây, sản phẩm gel nano bạc đã được cấp phép. Bởi để được cấp phép phải chứng minh độc tính, có nhà xưởng đủ lớn để ứng dụng, có ảnh hưởng đến đất không, có ảnh hưởng đến vi sinh vật không… Nhưng oái oăm là, hiện những sản phẩm tương tự trên thị trường lại rất nhiều, cùng tính năng, công dụng, thành phần.
ThS Nguyễn Bình Phương với sản phẩm gel nano bạc dùng trong nông nghiệp
Có giấy phép, công nghệ đã lạc hậu
Ông Đàm Quang Thắng, cố vấn cao cấp chương trình Khởi nghiệp quốc gia cho biết, rất nhiều statrup làm công nghệ sinh học vướng ở chỗ này. Sản phẩm làm ra rồi, nhưng không xin được giấy phép để ứng dụng. Công nghệ hôm nay có thể là rất tốt, nhưng ngay tháng sau nó đã có thể lạc hậu, hoặc nhu cầu của con người thay đổi, yêu cầu nó phải cao hơn nữa. Nhiều startup phải bỏ dở việc nghiên cứu vì điều này. Nên để khởi nghiệp bằng nông nghiệp, đòi hỏi không chỉ tốt, rẻ, thiết thực, mà công nghệ phải hiện đại, bắt kịp xu thế.
“Giống như ngày xưa có cái điện thoại màn hình màu đã ghê gớm lắm, nhưng sau đó có điện thoại chụp được ảnh, nghe được nhạc. Rồi đến giờ, điện thoại phải tích hợp đủ thứ như cái máy tính, không chỉ là chụp được ảnh mà phải dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo tự động nhận diện, tự động bắt nét… Thì với công nghệ cũng như thế. Ví dụ như công nghệ nano hay công nghệ vi sinh ứng dụng trong nông nghiệp, chúng thay đổi theo từng ngày, tính năng, tác dụng cũng thế. Mà cứ mòn mỏi chờ giấy phép thì đến lúc có giấy phép, công nghệ đã trở nên lạc hậu mất rồi”, ông Thắng chia sẻ.
Trong lĩnh vực khởi nghiệp nông nghiệp, ai cũng biết đến thiết bị không người lái phục vụ giám sát, phát hiện sâu bệnh, phun thuốc trừ sâu của TS Vũ Ngọc Huyên… Sản phẩm ra đời đã nhiều năm, nhưng việc xin được giấy phép là quá khó khăn, gần như không làm được. Cho dù trên thế giới, các thiết bị này được sử dụng khá rộng rãi, phổ biến ở các trang trại để điều tra, dự báo đường kính, sâu hại, phun thuốc trừ sâu, nhưng ở Việt Nam thì khác. Các cơ quan đều có lý do của họ, ví dụ như vấn đề an toàn bay, về an ninh quốc phòng... Các startup luôn mong muốn cơ chế đặc thù cho công nghệ để họ có cơ hội triển khai, nhưng còn rất khó.
Tuổi thọ công nghệ ngắn, đừng bắt họ chờ
Theo ông Đàm Quang Thắng, nếu muốn khuyến khích nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp thì buộc phải có các chính sách hỗ trợ. Nếu bắt buộc phải có giấy phép mới được triển khai thì gần như các startup về công nghệ sinh học trong nông nghiệp rất khó để thực hiện. Nên có chính sách kiểu như công nghệ này được phép ứng dụng trong một khoảng thời gian nhất định 2 năm chẳng hạn, sau đó phải có đánh giá thực tiễn. Hoặc thử nghiệm trên một vùng nào đó có kiểm soát, giữ an toàn. Khi đó, họ mới thấy được công nghệ của mình đang thiếu cái gì, chi phí cao hay tính năng chưa ổn định, hay vướng gì về công nghệ.
Hiện các startup đang làm là ngồi trong phòng để nghĩ ra tính năng, ngồi trong phòng để nghĩ ra trải nghiêm khách hàng, tự xây dựng khách hàng… chứ chưa có khách hàng đủ lớn để làm thử nghiệm. Vì có một thực tế, tuổi thọ công nghệ sẽ ngày càng ngắn, không có nhiều thời gian cho các thủ tục xin giấy phép cả chục năm trời.
Công nghệ nano cách đây 5 năm là công nghệ mới, nhưng giờ thì các sản phẩm ứng dụng nano đã tràn lan khắp thị trường rồi. Gel nano đăng ký sáng chế mất 3 năm rồi, đến giờ thì nó không mới nữa. Hay như tinh dầu xả chẳng hạn, lúc mới có thì thực sự là đột phá, nhưng giờ thì nó bình thường nên phải phát triển nó thành nano tinh dầu. Nếu chỉ là tinh dầu thông thường thì khó cạnh tranh, ít được sự quan tâm.
“Công nghệ thay đổi liên tục, nếu các startup cứ chạy theo công nghệ mà không làm chủ được thì rất khó để thành công. Do đó, phải có những đột phá về chính sách, môi trường, xây dựng thị trường nông nghiệp đủ lớn, thì mới có thể phát triển được mảng ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp”, ông Đàm Quang Thắng cho biết.
Theo ông Đàm Quang Thắng, khi Nhà nước không cung cấp vốn cho các startup khởi nghiệp thì phải tạo cơ chế cho họ được làm, được thử nghiệm, được thỏa sức sáng tạo. Nếu không, khó mà phát triển cách mạng nông nghiệp 4.0
Tô Hội
http://vusta.vn/Portals/0/Images/Chuyen%20de%20Pho%20bien%20kien%20thuc%20thang%209-2019%20%28Final%29.pdf