Nghe có vẻ như người ta đang chuẩn bị cho con mực xem một bộ phim. Nhưng không, đó thực sự là một phần của thí nghiệm. Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Minnesota (Mỹ) đã cho con mực đeo kính 3D để tìm hiểu và nghiên cứu cách hoạt động mắt và não của loài mực, cơ chế phối hợp giữa hai bộ phận khi mực săn mồi.
Giống như con người, mực nang cũng có cơ chế sử dụng stereopsis - thuật ngữ khoa học để chỉ nhận thức về chiều sâu và cấu trúc ba chiều thu được trên cơ sở thông tin hình ảnh nhận từ hai mắt. Mực dùng stereopsis để săn mồi. Khi tấn công, mực cần phải phán đoán cự ly của con mồi. Nếu đến quá gần, con mồi sẽ hoảng sợ và trốn thoát còn nếu quá xa thì khó tấn công chính xác.
Các nhà khoa học dùng kính 3D mục đích thay đổi hình ảnh nhận được ở mắt để kiểm tra phản xạ từ xa của loài mực. Họ thấy con mực di chuyển chậm, khả năng tấn công kém đi vì khó xác định khoảng cách đến con mồi. Mực sẽ tấn công quá xa hoặc quá gần. Điều này chứng tỏ mực thực sự sử dụng stereopsis khi săn mồi.
Nhóm nghiên cứu đã phải nỗ lực rất nhiều mới có thể đeo kính cho mực. Trevor Wardill cùng các cộng sự nói với CNN: "Phải mất nhiều thời gian để làm con mực nằm yên rồi mới khéo léo đeo kính 3D vào mắt của nó. Việc làm thay đổi màu sắc trước mắt mực ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng dùng stereopsis để săn mồi của loài mực".
Paloma Gonzalez Bellido, Phó giáo sư Đại học Minnesota cho biết: "Mắt mực tương tự như con người nhưng não của chúng có cách hoạt động khác. Não mực không phân đoạn như não người".
Nghiên cứu này là một bước tiến trong việc tìm hiểu về bộ não của mực nang và các loài không xương sống khác. Ngoài ra, thông qua thí nghiệm trên mực, các nhà khoa học có thể biết thêm cách não của các loài sinh vật giải quyết vấn đề.
An Phạm (Theo Mashable)
http://vusta.vn/Portals/0/Images/Market%20Ban%20tin%20so%20186.pdf